Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm bắt đầu hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ thu hút đông đảo khách thập phương cả nước. Đây cũng là thời điểm mà tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu vực đền, chùa, du lịch tăng cao.

Liệu có đảm bảo an toàn thực phẩm?

Ngày 16/2/2024, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện 1 đoạn video clip quay lại cảnh bà chủ chủ quán nước mía có hành vi mất vệ sinh an toàn thực phẩm khiến dư luận bức xúc. Trong clip ghi lại hình ảnh người phụ nữ mặc áo hoa màu tím nhạt, đeo chiếc túi màu đen bên hông, đầu đội nón lá, xung quanh bà là một xe nước mía với hơn chục chiếc cốc nhựa, 4 – 5 bộ bàn ghế nhựa và vài trái dừa tươi.

Người quay đoạn clip trên đứng từ trên cao, quay lại cảnh người phụ nữ rót nước mía từ một chiếc ca lớn ra cốc nhỏ, sau đó mang ra cho khách. Theo cô gái nói trong clip thì cốc nước mía chủ quán mang ra cho khách chính là cốc nước được gom từ hai cốc nước mía cũ mà các vị khách trước đó đến quán đã uống còn thừa.

Ai sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi hàng rong không che chắn (ảnh chụp tại chùa Địa Tạng).

Thậm chí, những viên đá lạnh từ cốc nước cũ vẫn không được đổ bỏ. Ống hút được chủ quán nhúng vào trong chiếc xô nước có màu đục để phía sau xe nước mía. Cô gái cho biết, xô nước này chủ quán đã nhúng chiếc khăn lau bàn vào trước đó.

Clip sau khi đăng tải đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ trước hành vi kinh doanh vô đạo đức của người chủ quán. Ngay sau khi clip xuất hiện, lực lượng Công an xã Tiến Đức cùng cán bộ chính quyền xã này đã xử lý, tạm đưa xe bán nước mía của người bán bị phản ánh về trụ sở công an xã, đồng thời triệu tập chủ quán đến làm việc. 

Lực lượng chức năng cũng yêu cầu người này không được bán nước mía tại khu vực đền Trần. Tuy nhiên tại cơ quan Công an, bà chủ quán nước không thừa nhận hành vi rót lại nước mía thừa bán tiếp cho khách. Thế nhưng trước những hình ảnh từ clip quá rõ ràng, công an xã đã thu giữ các vật dụng bán hàng, dừng hoạt động vĩnh viễn quán nước mía trên. Đây chỉ là một góc khuất nhỏ trong câu chuyện mất an toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội.

Năm nay Phủ Tây Hồ  có nhiều chuyển biến tích cực.

Những ngày đầu năm âm lịch 2024, miền Bắc bước vào mùa nồm ẩm, mưa phùn khiến cho hình ảnh quán xá, hàng ăn càng trở nên nhếch nhác. Chứng kiến hậu trường của nhiều cơ sở kinh doanh khu vực lễ hội mới thấy sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm của các quán ăn thời vụ này.

Những chiếc nồi, niêu, xô chậu bám đầy bụi, cáu bẩn do lâu ngày không được vệ sinh, những xô nước đục ngầu được chủ quán dùng để rửa hết lượt cốc này đến lượt cốc khác.

Khu vực chế biến nhiều nơi để thực phẩm chín, sống lẫn lộn, người phục vụ tay trần bốc bún, bốc bánh phở, cắt bánh đúc rồi quay sang lau dọn bát đũa, bàn ghế, đếm tiền trả lại khách. Hay những xe nước mía không được che chắn kỹ càng, ruồi nhặng bâu đầy bã mía, xung quanh máy ép nước mía…

Phủ Tây Hồ (Hà Nội) luôn là nơi tập trung rất đông du khách, người đến lễ phủ những ngày đầu năm luôn chen chúc. Nếu như những năm trước Phủ Tây Hồ ngập hàng rong từ ngoài cổng chính thì năm nay đã được sắp xếp quy củ hơn. Hàng rong bị cấm, các tuyến đường vào Phủ trở thành phố đi bộ, được dọn dẹp sạch sẽ, khang trang hơn.

Phủ Tây Hồ không chỉ nổi tiếng là chốn linh thiêng mà còn nổi tiếng với món bánh tôm và bún ốc làm nên thương hiệu lâu đời. Dọc đường đi từ khu vực bãi gửi xe đến Phủ Tây Hồ chỉ khoảng 400m nhưng có hàng chục hàng quán kinh doanh thực phẩm mọc lên san sát hai bên đường để phục vụ du khách.

Theo ông Nguyễn Danh Thụ, Chủ tịch UBND phường Quảng An, để đảm bảo an toàn thực phẩm tại những hàng quán kinh doanh quanh Phủ Tây Hồ, Trung tâm y tế quận Tây Hồ, Phòng Y tế quận Tây Hồ đã tham mưu cho UBND quận lập kế hoạch thành lập tổ công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là quanh phủ Tây Hồ. UBND phường Quảng An cũng đã thành lập tổ công tác, từ đầu năm âm lịch 2024, đã 6 lần vào kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh xung quanh phủ.

Đoàn kiểm tra của Thành phố cũng đã đến kiểm tra 1 lần, UBND quận Tây Hồ đến kiểm tra 3 lần. Trong năm qua chưa từng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hay mất cắp, mất trộm quanh phủ Tây Hồ. UBND phường cũng đã dán số điện thoại đường dây nóng xung quanh Phủ Tây Hồ để tiếp phản ánh tình trạng mất an toàn thực phẩm, trộm cắp.

Nhờ sự tuyên truyền, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Phủ Tây Hồ năm nay đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, vẫn có nhiều hàng quán để thức ăn tràn lan ngay đường đi bộ mà không có tủ kính che chắn như quy định, thậm chí chiên bánh tôm ngay bên đường đi.

Tại di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức) ngay trong ngày đầu khai hội (mùng 6 Tết), đã đón hơn 21.000 lượt khách. Với lượng khách đông như vậy, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại đây luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Năm nay, việc sắp xếp các cơ sở kinh doanh ăn uống tại lễ hội chùa Hương đã phần nào quy củ hơn.

Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng còn nhiều tồn tại. Ngay tại khu vực đền Trình, ở bến Trò, khoảng sân rộng dưới sân Thiên Trù, rất nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống mọc lên bày la liệt các đồ ăn sẵn không hề che đậy. Nhiều nơi không có tủ kính che chắn, thức ăn sống chín để lẫn lộn ngay cạnh đường đi.

Liên tục kiểm tra nhưng quan trọng vẫn là ý thức người kinh doanh

Nhằm bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024, Hà Nội đã thành lập 671 đoàn thanh tra, kiểm tra. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra hơn 5.700 cơ sở, trong đó có 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian tới, những đoàn thanh tra, kiểm tra tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội đến hết ngày 15/3.

Mục tiêu cao nhất của các đoàn kiểm tra là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp). Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các lễ hội.

Trên thực tế, mỗi lễ hội thường chỉ diễn ra trong vài ngày nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách trảy hội cũng có tính thời vụ và hầu hết là loại hình kinh doanh thức ăn đường phố.

Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa lễ hội
 Thực phẩm bày bán tại chùa Hương.

Theo các chuyên gia y tế, những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa rất dễ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển.Trong khi đó, khu vực lễ hội chủ yếu ở ngoài trời, dịch vụ ăn uống cũng mang tính tạm bợ, điều kiện về nước sạch, thu gom chất thải, bảo quản, chế biến thực phẩm… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nếu người chế biến, kinh doanh thiếu ý thức.

Với nhiều hàng ăn, để loại bỏ hàm lượng độc tố, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư bám trên rau cần phải rửa sạch nhiều lần dưới dòng nước chảy. Thế nhưng, tại các quán ăn tự phát, mang tính thời vụ, số lượng rau sử dụng lớn, nguồn nước lại hạn chế, nên hầu hết chỉ rửa qua loa, do đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.

Bởi vậy bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử phạt, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng của những người kinh doanh là điều quan trọng.

Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0975 730 849

Website: https://atvstp.org.vn

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/noi-lo-an-toan-thuc-pham-mua-le-hoi-117418.html

95

No Responses

Write a response