Tăng trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm

Tăng trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm

Vấn đề an toàn thực phẩm đang được người dân đặc biệt quan tâm, nhất là khi trên địa bàn Đồng Nai vừa liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều người mắc.

Tăng trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm
Bệnh nhi vụ ngộ độc thực phẩm ở thành phố Long Khánh đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Để việc ăn uống không còn là nỗi lo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã giao Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm từ “cánh đồng, nông trại đến bàn ăn”; đồng thời, tăng cường thanh – kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, cơ sở vi phạm.

* Nỗi lo từ những bếp ăn tập thể

Mới đây, 94 công nhân Công ty TNHH De Chang Việt Nam (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom) phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, nôn. Qua xác minh cho thấy, Công ty TNHH De Chang Việt Nam có 1,5 ngàn công nhân, thực hiện hợp đồng cung cấp suất ăn với Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thiên Hồng Phúc. Suất ăn được chuyển từ bên ngoài vào.

Trong bữa trưa hôm xảy ra ngộ độc thực phẩm, công nhân đã ăn các món: thịt heo kho dưa, chả cá chiên, canh bầu, cải thảo luộc. Bữa chiều, khoảng 400 công nhân của 2 chuyền sản xuất ăn món mì quảng gà. Hơn 700 công nhân của 3 chuyền còn lại chưa kịp ăn.

Sau bữa ăn chiều, 94 công nhân có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cấp cứu. Rất may, hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc mức độ nhẹ.

Trước đó, vào tháng 3-2020, gần 150 công nhân của Công ty TNHH Starite International Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa trưa tại công ty. Những suất ăn này do công ty hợp đồng với Công ty TNHH Thiên Hồng Phúc nấu ăn tại công ty cho công nhân. Sau khi lấy mẫu thực phẩm để làm xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật.

Ngay sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm ở huyện Trảng Bom, UBND tỉnh đã có văn bản giao các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ ngộ độc; tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn bán trú trường học, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cần chỉ đạo tạm ngưng hoạt động đối với Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thiên Hồng Phúc đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

* Nâng cao năng lực quản lý từ cấp xã đến tỉnh

Trưởng phòng Y tế huyện Long Thành Lê Vĩnh Thịnh cho biết, toàn huyện có hơn 4 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành y tế quản lý khoảng 30% cơ sở, còn lại do các ngành công thương và nông nghiệp quản lý, nhưng khi nhắc đến an toàn thực phẩm thường nhắc đến ngành y tế. Công tác quản lý an toàn thực phẩm khá chồng chéo, trong khi nhân lực phụ trách của 3 ngành rất hạn chế.

Sau vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 500 người mắc ở thành phố Long Khánh, Sở Y tế đã triệu tập cuộc họp khẩn với các địa phương trong tỉnh để chấn chỉnh vấn đề quản lý an toàn thực phẩm. Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm thẳng thắn nhìn nhận, đang có lỗ hổng và bỏ ngỏ trong vấn đề quản lý đối với các tiệm bánh mì bán vài trăm ổ mỗi ngày.

Ngành y tế xác định rõ, phòng y tế là cơ quan quản lý nhà nước ở cấp huyện, có trách nhiệm tham mưu UBND huyện, thành phố ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, chịu trách nhiệm trong việc phối hợp điều tra, báo cáo về quy mô vụ việc nếu có sự cố xảy ra. Trung tâm y tế thực hiện chức năng chuyên môn có liên quan, chịu trách nhiệm thống kê, điều tra người bị ngộ độc tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Mặc dù công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn liên quan đến nhân lực, kinh phí nhưng không phải không thể giải quyết. Cấp xã, phường có trách nhiệm theo dõi vấn đề thức ăn đường phố, giám sát hoạt động của các cơ sở được giao phụ trách, nếu phát hiện có vấn đề bất thường thì báo cáo cấp huyện để kiểm tra, xử phạt.

“Cần chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm rồi mới rút kinh nghiệm và “chạy theo” xử lý, mà cần làm tốt công tác tham mưu quản lý ngay từ đầu. Cấp xã, phường nắm rõ nhất quy mô buôn bán của các cơ sở trên địa bàn và người dân sử dụng những thực phẩm gì. Trạm y tế phải có trách nhiệm báo cáo những cơ sở có quy mô buôn bán lớn để phối hợp quản lý cho hiệu quả” – bà Võ Thị Ngọc Lắm nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường thừa nhận, sự phối hợp giữa 3 ngành trong quản lý về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, đồng bộ. Ngành công thương rất thiếu biên chế để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các cấp, hầu hết cán bộ đều kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn đa số không phù hợp, chỉ học hỏi thêm hoặc qua các lớp đào tạo ngắn hạn. Ngành gặp khó khăn về máy móc, thiết bị kiểm tra, test trực tiếp, đơn vị đo lường dư lượng hóa chất tồn đọng trong thực phẩm.

Trước diễn biến phức tạp của các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh, người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Các địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị Sở Y tế lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan đến công tác an toàn thực phẩm. Các thành viên của các đoàn kiểm tra khi đi kiểm tra an toàn thực phẩm phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, tránh nhũng nhiễu hoặc bỏ qua vi phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0975 730 849

Website: https://atvstp.org.vn

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/tang-trach-nhiem-trong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-42c6400/

179

No Responses

Write a response