Các làng nghề bánh trung thu: An toàn thực phẩm được ưu tiên hàng đầu

Các làng nghề bánh trung thu: An toàn thực phẩm được ưu tiên hàng đầu

Cận kề Rằm tháng Tám, các làng nghề bánh trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội tất bật vào vụ. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và giữ được thương hiệu, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được các cơ sở sản xuất bánh đặc biệt chú trọng.

An toàn thực phẩm được ưu tiên hàng đầu khi vào vụ

Cứ vào dịp tháng 7, tháng 8 âm lịch, đến làng Nội Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) mọi người đều cảm nhận không khí của trung thu bởi hương thơm của bột nếp bánh dẻo, lá chanh, bánh nướng; tiếng lạch cạch vui tai của khuôn gỗ…

Để kịp phục vụ nhu cầu của người dân, các cơ sở sản xuất bánh trung thu thôn Nội Am phải hối hả trong những ngày “chính vụ”. Mỗi ngày, hàng nghìn chiếc bánh chất lượng tốt với nhiều kiểu dáng, kích thước được ra lò.

Ông Hoàng Văn Tươi, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Tiến Dũng – Vĩnh Thịnh Long cho biết: Trong 15 năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh, kẹo phát triển nhưng người dân trong thôn vẫn chú trọng sản xuất bánh trung thu cổ truyền, tạo nét riêng biệt giữa các loại bánh trung thu hiện đại. Theo ông Tươi, để làm nên chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, người thợ phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu, xay bột, trộn nhân đến đổ bánh vào khuôn, nướng bánh (đối với bánh nướng). Trong đó, kỳ công nhất là làm nhân bánh.

an toàn thực phẩm được ưu tiên hàng đầu
Đoàn kiểm tra quận Bắc Từ Liêm kiểm tra ATTP tại làng nghề Xuân Đỉnh, Xuân Tảo.

“Không đóng hộp sang trọng, cầu kỳ, cũng không quá cao cấp, đắt tiền như các loại bánh hiện đại, bánh trung thu do các cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn xã sản xuất vẫn có sức hấp dẫn riêng với mọi người nhờ hương vị truyền thống và sự mộc mạc đặc trưng. Hiện nay, ngoài hương vị bánh truyền thống, các hộ làm nghề còn sản xuất thêm các loại bánh hiện đại để đáp ứng nhu cầu khách hàng”, ông Tươi chia sẻ.

Được biết, nhằm nâng tầm sản phẩm làng nghề, các gia đình trong thôn Nội Am không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại vào các công đoạn như nhào nha, nướng bánh, đóng gói sản phẩm để nâng cao năng suất lao động, chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, sản phẩm được dán nhãn mác, có thời hạn sử dụng, địa chỉ sản xuất cụ thể…

Tương tự, ghi nhận tại 2 địa điểm làm bánh trung thu truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội là phường Xuân Đỉnh và Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) cho thấy, không khí sản xuất tại các cơ sở vô cùng nhộn nhịp. Ở phường Xuân Tảo, những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất đã tiếp cận với công nghệ làm bánh tân tiến, đáp ứng nhu cầu thị trường. Toàn bộ công đoạn chế biến, sản xuất đều được sử dụng bằng máy móc công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Tô Thị Vân Anh (chủ cơ sở bánh Minh Ý, phường Xuân Tảo) cho hay, gia đình chị đã nhận được đơn đặt hàng và bắt đầu sản xuất bánh từ những ngày đầu tháng 7 (Âm lịch), đến nay, số lượng bánh bán ra ngày càng nhiều. So với năm ngoái, giá bán có tăng lên đôi chút nhưng lượng khách mua bánh tương đối ổn định.

Về vệ sinh thực phẩm, theo chị Vân Anh, gia đình chị đã có truyền thống làm bánh trung thu hơn 35 năm, bên cạnh việc cho ra đời những mẻ bánh ngon, đẹp mắt, giá cả phải chăng và hợp với thị hiếu khách hàng thì vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu.

“Chúng tôi luôn kiểm soát kỹ càng mọi khâu trong quy trình làm bánh, ví dụ như sản phẩm đầu vào phải là các sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, có tem, giấy tờ kiểm nghiệm…Công nhân làm việc trong xưởng được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ. Quy trình đóng gói khép kín, đảm bảo an toàn… nhờ đó, mới đây 3 sản phẩm bánh trung thu của Minh Ý đã được công nhận OCOP 3 sao”, chị Vân Anh chia sẻ.

Còn theo bà Phạm Thị Thanh Lương, cơ sở bánh trung thu gia truyền Hùng Lương (phường Xuân Đỉnh), gần tới các ngày lễ như rằm, mùng một âm lịch; đặc biệt là tháng 7, lễ Vu Lan báo hiếu, lượng đơn hàng của cơ sở tăng đột biến qua tất cả các kênh phân phối: Bán lẻ tại cửa hàng, sỉ buôn, kênh online. “Mỗi ngày cơ sở bánh trung thu của gia đình tôi xuất xưởng hơn 3.000 bánh, mà không có bánh lưu kho”, bà Lương chia sẻ thêm.

Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm

Càng gần Rằm tháng 8 (âm lịch), các loại bánh trung thu càng được tung ra thị trường với số lượng lớn, mẫu mã đa dạng. Thế nhưng, khi có quá nhiều nhà sản xuất, việc kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này lại trở nên cấp thiết hơn và đặt ra yêu cầu phải được quản lý chặt chẽ để không gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Tại quận Bắc Từ Liêm, những ngày qua, đoàn kiểm tra của quận đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2024 về cơ sở, điều kiện sản xuất, hồ sơ pháp lý, đặc biệt là kiểm tra về nguồn nguyên liệu đầu vào của các cơ sở.

Qua ghi nhận thực tế, các cơ sở sản xuất bánh trung thu đã tuân thủ, chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất bánh trung thu. Về nguồn gốc sản phẩm, hạn sử dụng của nguyên liệu, các cơ sở đã xuất trình được giấy tờ nguyên liệu đầu vào, các mặt hàng sản xuất bánh trung thu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Ngà – Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc bảo đảm an toàn Tết trung thu, UBND quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng kế hoạch thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành tổ chức kiểm tra các hộ sản xuất bánh trung thu trên địa bàn quận. Trong đó, đoàn chú trọng kiểm tra 2 phường Xuân Đỉnh và Xuân Tảo là một trong những làng có nghề sản xuất truyền thống từ lâu đời.

Trước khi kiểm tra, UBND quận cũng đã chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp với phường Xuân Đỉnh, Xuân Tảo tập huấn, hướng dẫn về an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn phường.

Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận sự cố gắng của cơ sở trong công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cơ bản, năm nay các cơ sở sản xuất bánh Trung thu đều đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Công Thương. Đặc biệt, sau các đợt kiểm tra, nhận thức và ý thức của người dân và các hộ sản xuất ở đây đã được nâng lên rất rõ rệt. Điều kiện sản xuất, cơ sở vật chất, trang thiết bị được các cơ sở trang bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng được các tiêu chí.

“Thời gian tới, quận tiếp tục chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp cùng UBND các phường tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho nhân dân, đặc biệt, chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Qua đó nâng cao ý thức, nhận thức của các hộ sản xuất kinh doanh cũng như tạo niềm tin cho nhân dân khi sử dụng sản phẩm truyền thống của Xuân Đỉnh, Xuân Tảo trong dịp Tết Trung thu”, ông Ngà nhấn mạnh.

Trước đó, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Kế hoạch được triển khai từ ngày 5/8/2024 – 20/9/2024 tại 30 quận, huyện và thị xã.

Theo UBND Thành phố, việc triển khai kế hoạch nhằm mục đích đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu, đồng thời thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.

Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0975 730 849

Website: https://atvstp.org.vn

Nguồn: https://laodongthudo.vn/cac-lang-nghe-banh-trung-thu-an-toan-thuc-pham-duoc-uu-tien-hang-dau-176533.html

40

No Responses

Write a response